Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Khám phá Tết cổ truyền Trung Quốc

Mùa xuân đang dập dìu về bên chúng ta, mang theo hơi thở rộn vui của đất trời trước nhịp bước chuyển giao. Hòa chung vào không khí đó, người dân tại nhiều quốc gia châu Á khác cũng tất bật chuẩn bị chào đón năm mới. Trong đó, tưng bừng và đáng chú ý nhất có lẽ là nước bạn Trung Hoa với phong tục Tết cổ truyền khá tương đồng với Tết Việt. Cùng Ánh Dương Tours khám phá những nét văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền Trung Quốc.

1. Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán với người Trung Quốc

Tết Nguyên Đán với người Trung Quốc là dịp sum vầy

Tương tự như quan niệm của người Việt, Tết Nguyên Đán cũng được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm đối với người dân Trung Quốc. Nó là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của mùa đông lạnh giá, mở ra tiết xuân ấm áp cùng một năm mới với nhiều cơ hội đang đón chờ. Trong dịp này, gia đình, họ hàng, anh em sẽ cùng nhau quây quần, đoàn tụ sau cả năm bận bịu, xa cách. Cũng bởi vậy, nhắc đến Tết cổ truyền, người Trung Quốc thường chỉ nghĩ tới sự sinh sôi, cảm giác hạnh phúc, sum vầy và hy vọng.

2.Tết âm lịch của Trung Quốc giống và khác nhau ra sao so với Việt Nam?

2.1. Điểm tương đồng

Sắc đỏ là biểu tượng cho may mắn, vui vẻ và hạnh phúc

Với vị trí địa lý sát sườn cùng những dấu ấn lịch sử từ hàng ngàn năm trước, phong tục đón Tết âm lịch của Trung Quốc và Việt Nam đã dần hình thành những nét tương đồng đến ngỡ ngàng. Trước hết, về màu sắc chủ đạo, người dân của cả 2 quốc gia đều ưa chuộng màu đỏ. Vì thế, vào dịp Tết Nguyên Đán, sắc đỏ rực rỡ sẽ xuất hiện ở khắp muôn nơi như một biểu tượng của may mắn. Cũng từ quan niệm trên, tặng lì xì đỏ cho trẻ nhỏ đã trở thành nét chung trong phong tục đón năm mới của 2 đất nước. Không chỉ vậy, giống như người Việt, đa số người Trung Quốc đều xem bữa tất niên và sáng mùng một Tết là những bữa cơm quan trọng nhất trong năm.

2.2. Điểm khác biệt

Sở hữu nhiều điểm tương đồng là thế, song từ sâu thẳm gốc gác văn hóa, Tết Trung và Tết Việt vẫn còn đó vô vàn nét riêng biệt.

Về thời gian ăn Tết

Người Việt chỉ ăn Tết từ 23 tháng Chạp tới mùng 7 tháng Giêng. Trong khi đó, Tết Nguyên Đán của người Trung sẽ kéo dài từ mùng 8 tháng Chạp tới rằm tháng Giêng.

Về cách trang trí nhà cửa và ẩm thực

Từ những món ăn đến cách lựa chọn đồ vật, người Trung Quốc đều có xu hướng chú trọng vào ý nghĩa biểu trưng. Chẳng hạn, khi trang trí nhà, nhiều gia đình sẽ dùng tờ giấy đỏ in hình chữ “phúc” và dán ngược lên cửa. Sở dĩ có phong tục này là bởi trong tiếng Hán, chữ “phúc” lộn ngược là “phúc đảo”, đồng âm với “phúc đáo” hay phúc tới nhà.

Sủi cảo hay bánh chẻo là món ăn hiếm khi vắng mặt trong bữa cơm ngày Tết của các gia đình Trung Quốc

Tương tự như vậy, khi lựa chọn cây cảnh, người Trung thường ưa thích thủy tiên – biểu trưng cho tài lộc, hoa mơ – đại diện của may mắn và cà tím mang ý nghĩa chữa lành. Đối với ẩm thực ngày Tết, mâm cơm của các gia đình Trung Quốc luôn có sự góp mặt của các món ăn sau:

  • Cá: trong tiếng Hán, chữ “ngư” đồng âm với dư thừa
  • Niên cao hay bánh tổ: tượng trưng cho sự ngọt ngào
  • Mì trường thọ: gắn với hy vọng sống lâu trăm tuổi
  • Bánh chẻo hay sủi cảo: thể hiện mong ước đón nhận nhiều vận may
  • Hạt dưa hấu: màu đỏ hạt dưa là màu của sự vui vẻ, may mắn.

3.Vẻ đẹp Tết Nguyên Đán tại các địa điểm nổi tiếng của Trung Quốc

3.1. Bắc Kinh

  • Thập Tam Lăng: khu di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với triều đại nhà Minh. Nơi đây sẽ là điểm đến tuyệt vời nếu bạn mong muốn ngắm nhìn vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của những công trình kiến trúc xưa.

Tuyết dần tan trên Vạn Lý Trường Thành khi xuân về

  • Vạn Lý Trường Thành: thăm quan trường thành lịch sử vào những ngày đầu năm, bạn có thể thu vào tầm mắt hình ảnh núi đồi điểm tuyết trắng chạy dài tít tắp, đồng thời, cảm nhận rõ sự chuyển giao của đất trời trong độ xuân sang.
  • Di Hoà Viên – Cung điện mùa hè: đến đây bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc bao gồm đền, chùa, vườn cây, hồ, cầu đá… Tất cả đều tinh xảo đến từng chi tiết.

3.2. Thượng Hải

Đèn lồng đỏ treo cao ở Chùa Phật Ngọc dịp năm mới

  • Chùa Phật Ngọc: Là một trong số ít những ngôi chùa nổi danh thế giới, chùa Phật Ngọc luôn được xem là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách ghé thăm Thượng Hải.
  • Sông Hoàng Phố: chứng nhân ghi nhận mọi khoảnh khắc hưng thịnh của thành phố Thượng Hải. Nếu đến Thượng Hải đúng đêm giao thừa, hãy đến đây để xem bắn pháo hoa. 

Kiến trúc cầu zig zag giúp du khách chậm nhịp bước và cảm nhận cảnh sắc xung quanh

  • Thành Hoàng Miếu: là một quần thể nhà cổ nằm ngay giữa lòng Thượng Hải hiện đại, sầm uất. Nơi đây lưu giữ được tương đối toàn vẹn dấu ấn kiến trúc xưa, từ phối cảnh non bộ gọt đẽo kỳ công tới nhịp cầu quanh co và những mái nhà uốn cong, trạm trổ tinh xảo.

3.3. Hàng Châu

Hàng Châu đẹp hữu tình trong những ngày đầu năm

Hàng Châu chỉ cách Thượng Hải khoảng 180km nên cực kỳ thuận tiện cho những lịch trình xuyên suốt. Theo kinh nghiệm của nhiều du khách, Hàng Châu sẽ đẹp nhất vào khoảng tháng 3 – 4. Tuy nhiên, trải nghiệm phong cảnh nơi đây trong dịp Tết Nguyên Đán cũng là một lựa chọn không tồi.

3.4. Ô Trấn

Ô Trấn tuyết phủ trắng xóa

Tọa lạc ở phía nam sông Dương Tử, Ô Trấn là một cổ trấn xinh đẹp có tuổi đời lên đến 1300 năm. Ghé thăm Ô Trấn vào dịp Tết Nguyên Đán, du khách chắc chắn phải đối mặt với cái lạnh ghê gớm, vì vậy, đừng quên trang bị áo quần ấm áp trong vali hành lý của mình. Đổi lại trải nghiệm thời tiết khắc nghiệt đó, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh tuyết trắng đẹp đến nao lòng. 

Thay vì bay tới trời Tây xa xôi hay quanh quẩn với những cảnh quan quen thuộc trong nước, cớ sao bạn không ghé thăm “người bạn hàng xóm” của chúng ta để gặp lại cái Tết quen giữa miền đất lạ? Dù lựa chọn bất cứ địa điểm nào cho hành trình du hí, khám phá Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên Đán chắc chắn sẽ là trải nghiệm khiến du khách mãi luyến lưu.

The post Khám phá Tết cổ truyền Trung Quốc appeared first on Ánh Dương Tours - Tính chuyên nghiệp tạo nên sự khác biệt.



source https://anhduongtours.vn/kham-pha-tet-co-truyen-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét